29/9/12

Gửi tác giả Minh Diện nhân đọc bài "Phải biết dừng, đừng tham quyền cố vị"

Hàng chục mét tường bị đập phá tại quán cà phê Lion (CATP)
Nhờ có internet, hôm nay mò mẫm thế nào, lần đầu tiên, cũng là tình cờ tìm đến Blog Người Lót Gạch với bài viết "Phải biết dừng, đừng tham quyền cố vị" (1) ca ngợi ông Nguyễn Minh Ninh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tình Bà Rịa –Vũng Tàu.
Mới đọc đến lời tựa của tác giả xong, giật mình suýt té ghế...
* Minh Diện:
Mới đây, trang blog Bvbqd đăng bài của tôi, viết về vụ công dân Lê Phước Huệ bị cướp đất, với tựa đề: “Ông Sáu Dân phản đối thói vừa ăn cướp vừa la làng” (2) (* Đọc LINK cuối bài). Ngay sau khi bài báo post lên mạng, có nhiều bạn đọc hỏi về kết quả giải quyết vụ bà Huệ khiếu kiện đất đai dạo đó kết quả ra sao? Tôi xin trả lời là Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu lúc đó đã chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, giải quyết vụ tranh chấp đất của bà Lê Phước Huệ có tình có lý (Hết trích).

Vì sao phải giật mình, xin thưa, sự thật không như lời tác giả Minh Diện trả lời bạn đọc. Thực tế câu chuyện liên quan đến việc cưỡng chế thu hồi đất sai pháp luật của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đối với cựu nữ biệt động Sài Gòn xảy ra cách nay 20 năm vẫn chưa kết thúc. Từ đó đến nay, gia đình họ vẫn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ không biết khi nào bị chính quyền cưỡng chế (chắc đợi bà Huệ nằm xuống), họ vẫn đang tiếp tục khiếu kiện năm này qua năm khác... Phải chăng, đây là sự tri ân của UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu dành cho người nữ biệt động Sài Gòn - Gia Định năm xưa? Và hơn hết, những con người đang còn gắn bó hưởng lợi cùng chế độ, với khẩu hiệu "còn đảng, còn mình" sẵn sàng chà đạp lên luật pháp, mặc cho nhân dân rên xiết có khi nào nghĩ rằng mình sẽ rơi vào tình cảnh giống như bản sao của bà Lê Phước Huệ hay không?



"Nguyên trước đây, anh trai của bà Huệ là Lê Thanh Tòng có khai phá và sử dụng mảnh đất rộng 4.650m2 tại địa điểm trên từ năm 1960. Trên khu đất, ông Tòng đã lập một cái am rộng 24m2, mang tên Khánh Hòa Tự để tu tại gia, được Trưởng ty điền địa Vũng Tàu xác nhận, cho phép sử dụng từ năm 1970. Bà Huệ (cựu biệt động Sài Gòn và là em ruột của ông Tòng) đã sử dụng khu đất này làm cơ sở hoạt động từ 1973. Ngày 10-2-1989, ông Tòng lập tờ di chúc có xác nhận của chính quyền địa phương, giao quyền sử dụng đất và am cho bà Huệ. Ngày 4-5-1990, ông Tòng tiếp tục lập di chúc có xác thực của Phòng công chứng số 1) cùng nội dung trên. Ngày 7-9-1991, ông Tòng mất, tờ di chúc có hiệu lực nhưng ngày 30-6-1992 UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ra quyết định thu hồi toàn bộ nhà và đất của ông Tòng khiến bà Huệ phải khiếu nại khắp nơi.
Ngày 12-1-1994, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có văn bản gởi Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, yêu cầu trả lại ngay nhà và đất cho gia đình bà Huệ. Ngay sau đó, một đoàn công tác liên ngành của Trung ương đã về tận nơi xem xét vụ việc và báo cáo gởi Thủ tướng Chính phủ. Ngày 31-3-1994, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định số 620/QĐ-UBT giao quyền sử dụng thửa đất trên và Khánh Hòa Tự cho bà Huệ.

Ngày 23-5-2005, UBND tỉnh BR-VT bất ngờ ra quyết định 1540/ QĐ-UB thu hồi và hủy bỏ quyết định 620, công nhận cho bà Huệ được thừa kế ngôi nhà mang tên Khánh Hòa Tự của ông Lê Thanh Tòng nhưng hoán đổi một lô đất tái định cư.

Ngày 12-3-2008, UBND tỉnh BR-VT lại có quyết định giải quyết đơn của bà Huệ đã bác việc thừa kế của bà Huệ với lý do: “Tại thời điểm mở di chúc ngày 7-9-1991, trong khoảng thời gian này Luật Đất đai 1988 (nguyên tác 1988) đang có hiệu lực pháp luật. Luật Đất đai 1988 không thừa nhận chế định về việc thừa kế đất nông nghiệp. Do đó yêu cầu được công nhận khuôn viên số 96 Hạ Long, P2, TP. Vũng Tàu của bà Lê Phước Huệ không có cơ sở giải quyết”. (!?) "

Như vậy, đoạn trích dẫn của báo CAND ngày 13/9/2012 đã chính thức trả lời tác giả Minh Diện cùng bạn đọc là hiện nay, chính quyền Vũng Tàu vẫn tìm cách trì hoãn, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Lê Phước Huệ. Sự thật là như vậy chứ không phải là kết thúc có tình, có lý như tác giả biết.

Tựu chung, 2 bài viết đăng trên 2 blog Người Lót Gạch và Bùi Văn Bồng chủ yếu nhằm mục đích ca ngợi cố thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông chủ tịch UBND tỉnh BR-VT thời đó Nguyễn Minh Ninh. Về bài viết của tác giả đối với ông Võ Văn Kiệt thì không có gì phải phàn nàn, tuy nhiên chỉ khi nào sự việc được giải quyết có tình có lý thực sự thì mới khỏi phí công lao, tâm huyết của những người lãnh đạo có tâm, vì dân, vì nước.

Riêng về bài ca ngợi ông Nguyễn Minh Ninh, người viết bài này nghĩ rằng không phải hoàn toàn như tác giả Minh Diện biết. Tôi sẽ cung cấp thông tin về trường hợp này qua bài viết khác.

Bài liên quan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét