29/9/12

Dương Trung Quốc: Nhân đọc lại một bức thư trong một tập hồ sơ

Khu đất rộng 4650 m2, tài sản thừa kế hợp pháp của gia đình cựu nữ biệt động Sài Gòn-Gia Định đang bị chính quyền...
Dương Trung Quốc: Và một điều dễ hiểu là đến năm 2008, cũng vị phó chủ tịch này lại ra một văn bản lấy lý do thời điểm mở di chúc (1991) luật đất đai 1988 vẫn có hiệu lực nên không "thừa nhận quyền thừa kế đất nông nghiệp" để khước từ thực hiện điều mà ông thủ tướng đã ra lệnh trả lại từ 14 năm trước...
Thật khó bàn về việc vận dụng luật pháp ở nước mình, nhưng chỉ bàn đến kỷ cương và đạo nghĩa cũng thấy buồn. Đọc lại bức thư của ông Sáu Dân và hành xử của một số người trong bộ máy hành pháp của chúng ta mới thấy được cái khổ của người dân... 
***
Đã thành lệ, cứ đến trước và trong mỗi kỳ họp Quốc hội, số đơn từ gửi tới tôi lại tăng lên. Bà con đến nhà mỗi buổi sớm, lại phải hẹn đến trưa tranh thủ thời gian giữa 2 buổi họp tiếp ở cơ quan. Lại làm những động tác "theo quy định" giống như một anh lục sự làm thủ tục chuyển đơn mà lòng cảm thấy bất lực khi gặp lại những lá đơn từ dăm ba năm trước vẫn bắt đầu ở điểm xuất phát, với hàng tập giấy báo nhận và chuyển đơn của... chính mình.
Đã có lần nói đến cái tâm sự, cảm thấy đại biểu quốc hội như mình chỉ làm nổi mỗi viên thuốc an thần cho khiếu kiện.. Mệt mỏi quá, người ta tìm đến mình với những hi vọng mới. Mình càng được khen thì cũng chỉ là một viên thuốc liều lượng cao hơn mà thôi. Nhưng đến lúc rã thuốc, chắc họ sẽ oán hơn vì rốt cuộc, chẳng giúp họ nhích lên được bao nhiêu trên con đường thiên lý đi tìm công lý.
Kỳ họp này cũng vậy. Gần như trưa nào cũng phải dành hết thời gian để ngồi nhận đơn của dân. Họ lam lũ, họ bức xúc nhưng hiền lành. Hiền lành nhưng không cam phận. Có những người ta phải cảm phục ở sự kiên cường chịu đựng. Sự "phiền nhiễu" phổ biến có thể nhận thấy được là họ không được hướng dẫn về pháp lý nên đơn thủ lùng củng với cả một khối lượng giấy má photocopy và kể cả những ảnh chụp, những băng đĩa mà lướt qua đủ thấy sự công phu, tốn kém đối với những người đang túng quẫn... Đúng là ai phải thụ lý những hồ sơ đó thực sự là một công việc nặng nề và dễ gây stress nếu thật lòng muốn đứng về phía sự công bằng... Còn những bộ đơn bài bản có dấu ấn của những người am hiểu luật pháp thì loanh quanh cuối cùng cũng rơi vào cái bẫy "hết thời hiệu".
Lần này, tôi đụng vào hồ sơ của một đồng bào từ Bà Rịa - Vũng Tàu đem ra. Một người phụ nữ trung tuổi vác đơn thay mẹ đi đòi lại tài sản thừa kế bị chính quyền địa phương lấy mà chẳng có căn cứ nào ngoài cái quyền được luật đất đai giao làm đại diện cho "Quyền sở hữu toàn dân". Người đứng đơn là một nữ chiến sĩ biệt động của lực lượng đặc công Sài Gòn - Gia Định thời đánh Mỹ tên là Lê Phước Huệ, có huân chương kháng chiến, năm nay đã ngoài tuổi 70. Những dày vò của mấy chục năm đi đòi công lý đã khiến bà suy sụp không còn đi lại được nữa. Ngôi nhà và đất mà bà được hưởng thừa kế hợp pháp từ người anh ruột qua đời có di chúc bỗng dưng bị chính quyền địa phương sung công mà chẳng đưa ra được một lý do nào xác đáng, chuyện xảy ra từ năm 1991, nhưng nó cũng từng được khắc phục.
Bức thư tay của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt
Trong tập hồ sơ còn lưu được một bức thư của thủ tướng lúc đó là ông Võ Văn Kiệt đề ngày 12/1/1994 trong đó ông đã nhắc nhở chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào thời điểm đó, là: Đã có văn bản của văn phòng Quốc hội và 3 văn bản của văn phòng chính phủ yêu cầu trả lại toàn bộ ngôi nhà và quyền sử dụng đất của nữ chiến sĩ biệt động này. Bức thư phê phán: "Thế nhưng đến nay, UBND tỉnh BR-VT không chấp hành ý kiến của thủ tướng chính phủ nêu tại các công văn nói trên: Không những thế, lại thực hiện cưỡng chế, đập phá nhà cửa và bắt tù con bà về tội đánh người" (thực tế là ngăn người đến phá nhà...). Văn bản còn chỉ đạo quyết liệt trên cơ sở xem xét thực tế, tôi yêu cầu đồng chí chủ tịch UBND tỉnh BR-VT trả lại ngay nhà và đất cho gia đình bà Lê Phước Huệ, đồng thời chấm dứt ngay mọi hình thức hù dọa, chèn ép, gây khó khăn cho sinh hoạt của gia đình bà Huệ. Nếu có khó khăn gì, đồng chí chủ tịch báo cáo tôi biết để giải quyết sau. Trước mắt phải thi hành ngay lệnh này. Văn phòng chính phủ sẽ có văn thư chính thức gửi đồng chí" (Ký tên Võ Văn Kiệt và đóng dấu của chính phủ).

Sau đó không lâu, VPCP chính thức có văn bản và chủ tịch tỉnh cũng ra văn bản thực thi lệnh của thủ tướng. Nhưng tất cả chỉ nói trên giấy.

Cái không may cho người nữ chiến sĩ biệt động là tỉnh ký nhưng không làm, lần nữa đến lúc ông Sáu Dân không còn ở cương vị Thủ tướng nữa để rồi 7 năm sau (2001) ông phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn lại ký một văn bản ngược lại hoàn toàn, yêu cầu thu hồi cái quyết định của tỉnh đã ban hành theo chỉ đạo của chính phủ thời ông Kiệt đồng thời yêu cầu công an xác minh xem bà Huệ có phải "đã mạo nhận là biệt động và được thưởng huân chương hay không" đồng thời kèm theo những chỉ đạo tước đoạt lại toàn bộ quyền thừa kế của bà Huệ.
Nhưng rồi cũng may mắn cho bà Huệ là cơ quan công an đã nhanh chóng xác minh là chính một cán bộ an ninh được phong 2 lần anh hùng "đã xây dựng bà Lê Phước Huệ làm cơ sở cài vào hàng ngũ địch", những đồng đội cũ của bà cũng xác nhận sự thật đó và tấm huân chương của bà được phong thưởng là minh bạch. Vì thế một lần nữa lãnh đạo tỉnh lại phải thủ hồi cái văn bản do chính mình đã ban hành theo chỉ đạo của phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, nhưng để làm điều đó, tất cả phải mất 5 năm (2001 - 2005). Oái oăm thay, người ký tên vào văn bản 2001 theo chỉ đạo của phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn cũng như văn bản hủy bỏ văn bản (2005) lại vẫn chỉ là một người, một vị phó chủ tịch tỉnh.

Và một điều dễ hiểu là đến năm 2008, cũng vị phó chủ tịch này lại ra một văn bản lấy lý do thời điểm mở di chúc (1991) luật đất đai 1988 vẫn có hiệu lực nên không "thừa nhận quyền thừa kế đất nông nghiệp" để khước từ thực hiện điều mà ông thủ tướng đã ra lệnh trả lại từ 14 năm trước...
Thật khó bàn về việc vận dụng luật pháp ở nước mình, nhưng chỉ bàn đến kỷ cương và đạo nghĩa cũng thấy buồn. Đọc lại bức thư của ông Sáu Dân và hành xử của một số người trong bộ máy hành pháp của chúng ta mới thấy được cái khổ của người dân. 
Dương Trung Quốc
(Nhân giỗ đầu của ông Sáu Dân)
Theo báo Lao động số 23 (từ 5-7/6/2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét