2/10/12

Hành trình 20 năm đi tìm công lí của một cựu nữ biệt động Sài gòn - Gia Định (Kỳ I)

Bác bỏ di chúc và xâm phạm quyền thừa kế
(NCT): Vụ khiếu nại của một công dân, cựu nữ biệt động Sài Gòn - Gia Định đã được Thủ tướng Chính phủ quan tâm giải quyết, nhưng vẫn tồn đọng 20 năm chưa giải quyết dứt điểm. Người mẹ kiệt sức phải đến lượt con tiếp tục cuộc hành trình đi tìm công lí.

Âm mưu chiếm đoạt di sản thừa kế bị phát hiện và ngăn chặn.

Kì I: Từ lá thư tay của một đại tá đặc công, Anh hùng quân đội...

Lá thư tay đề ngày 7-10-1991, từ TP Hồ Chí Minh gửi đến ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là Phó Chủ tịch HĐBT. Dưới lá thư kí tên Tư Tăng (tức đại tá) Nguyễn Văn Tăng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (BCH QS) TP Hồ Chí Minh. Bức thư viết: "Kính gửi anh Sáu Kiệt - Hội đồng Bộ trưởng. Xin trình bày anh Sáu, miếng đất của gia đình Lê Thanh Tòng, pháp danh Hòa thượng Hiển Chơn cùng em gái Lê Phước Huệ là cơ sở biệt động đặc công nuôi dưỡng tôi trong nhiều năm đánh Mỹ, nay được Nhà nước trả lại miếng đất ở Phường 1 Vũng Tàu - Côn Đảo. Khi giao đất cho gia đình ông Nguyễn Văn Tư là người chế độ cũ chiếm đất… (có một dòng bị nhòe không đọc được) nên ông này làm cách nào mà Hội đồng không trục xuất được ông mà vẫn cho ông ta ở, nay còn lấn áp gia đình cô Huệ. Vậy mong Anh Sáu cho xem xét và giúp đỡ khỏi bị ăn hiếp. Em Anh, Tư Tăng (kí tên)".

Ông Võ Văn Kiệt không lạ gì Tư Tăng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ trên cương vị Bí thư thành ủy Sài Gòn - Gia Định, ông rất có cảm tình và quý trọng Tư Tăng, một cán bộ biệt động đặc công nội thành khét tiếng đánh Mỹ, xuất quỷ nhập thần giáng cho Mỹ nhiều đòn sấm sét, từng vinh dự đựợc phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Việc Tư Tăng có thư kêu cứu cho bà Lê Phước Huệ chắc phải có nguyên cớ. Đại tá Nguyễn Văn Tăng (Tư Tăng) viết lá thư trên trong lúc đang nằm viện điều trị căn bệnh hiểm nghèo, đúng một năm sau thì ông qua đời.


... Đến những ẩn khuất đằng sau một quyết định "thu hồi đất để Nhà nước quản lí"của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu


Tài liệu, chứng cứ Văn phòng HĐBT và Văn phòng Chính phủ cho thấy: Ông Lê Thanh Tòng, hòa thượng Thích Hiển Chơn là người tu hành sống độc thân, cũng là người đứng tên chủ quyền ngôi nhà 24 m2, mái bằng, mang tên Khánh Hòa Tự (KHT) và quyền sử dụng diện tích đất 4.650 m2 thuộc khuôn viên nhà ở sườn Núi Nhỏ, từng được chính quyền TP Vũng Tàu dưới chế độ cũ cấp Giấy chứng nhận sử dụng hợp pháp. Sau năm 1975, ông Lê Thanh Tòng vẫn được UBND Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (VT-CĐ) cho phép sử dụng nhà đất nói trên, địa chỉ mới là số 129/1 Hạ Long - Vũng Tàu (HL - VT).
Điều đáng lưu ý là sau năm 1975, khi con đường Hạ Long được mở rộng, ngôi nhà mang 
Ông Nguyễn Văn Tăng và gia đình bà
Lê Phước Huệ.
tên "KHT" vẫn khiêm tốn như trước, nhưng lô đất 4.650 m2 có mặt tiền giáp với đường Hạ Long, thì trở nên có giá trị lớn, nhiều người nhòm ngó. Những năm 80 của thế kỉ XX, nhân lúc ông Tòng đi chữa bệnh ở TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Tư, người tạm quản lí KHT có toan tính chiếm đoạt. Năm 1990, biết bệnh nặng khó qua khỏi, ông Tòng đã lập di chúc chỉ định em gái là Lê Phước Huệ làm người thừa kế quản lí sử dụng ngôi nhà (KHT) và 4.650 m2 đất thuộc khuôn viên nhà ở 129/1 HL-VT sau khi ông qua đời. Di chúc đã được Công chứng nhà nước TP Hồ Chí Minh xác nhận ngày 4-5-1990. Sau ngày lập di chúc, ông Tòng lại nhận được QĐ số 457/QĐ ngày 31-7-1990 của UBND Đặc khu VT - CĐ có nội dung "chấp nhận việc ông Tòng giao KHT và lô đất thuộc khuôn viên cho Giáo hội Phật giáo (GHPG) Đặc khu quản lí sử dụng theo giấy ủy quyền của ông Lê Thanh Tòng". Cuối năm 1990, ông Tòng, bà Huệ từ TP Hồ Chí Minh quay về KHT ở Vũng Tàu, xuất trình bản di chúc và khiếu nại về việc UBND Đặc khu ra QĐ chuyển dịch tài sản của ông không đúng, giấy ủy quyền là giả mạo. Sau khi thẩm tra xem xét khiếu nại, UBND Đặc khu đã ban hành QĐ số 781/QĐ ngày 27-7-1991 tuyên bố: "thu hồi, hủy QĐ 457/QĐ ngày 31-7-1990; công nhận quyền sở hữu nhà (KHT) và quyền sử dụng diện tích đất 4.650 m2 thuộc khuôn viên nhà ở 129/1-HL-VT cho ông Lê Thanh Tòng". Quyết định 781/QĐ được các ban ngành đồng tình riêng, MTTQ tỉnh VT-CĐ có công văn yêu cầu Ban Trị sự Phật giáo Đặc khu can thiệp. Ngày 16-6-1991, Ban TS PG Đặc khu có cuộc họp mở rộng để bàn về ý kiến đề nghị của MTTQ Đặc khu và đã lập biên bản thông báo kết quả cuộc họp: "GH PG Đặc khu công nhận KHT là chùa riêng của ông Tòng không có liên quan đến tài sản của giáo hội, giáo hội cũng tuyên bố không can dự vào việc đất đai của ông Tòng thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền để khỏi mang tiếng "cướp chùa, giành đất". Ngày 7-9-1991, ông Tòng qua đời cũng là thời điểm di chúc có hiệu lực pháp luật, bà Lê Phước Huệ đương nhiên được thừa kế di sản của ông Tòng theo Pháp lệnh Thừa kế ban hành năm 1990. Đầu năm 1992, ngay sau khi tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đuợc thành lập thay Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, ông Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 672A/QĐ ngày 31-6-1992 tuyên bố: "KHT" là chùa của bá tánh không phải chùa riêng của ông Tòng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, ông Tòng không được lập di chúc và bà Huệ không có quyền thừa kế; thu hồi KHT cho Giáo hội Phật giáo và thu hồi 4.650 m2 đất thuộc khuôn viên KHT để Nhà nước quản lí sử dụng theo luật định". Bà Huệ khiếu nại về QĐ số 672A mà bà cho là trái Pháp lệnh Thừa kế lên Trung ương. Điều đáng lưu ý là khi bà Huệ chuyển hộ khẩu từ TP Hồ Chí Minh về thường trú tại 129/1 HL-VT, đã có một số đơn thư có địa chỉ ở TP Hồ Chí Minh gửi về Vũng Tàu tố cáo lai lịch bất minh của bà Huệ, rằng bà Huệ là lính ngụy Sài Gòn sao lại được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba? Bà Huệ không có quan hệ thân thích với ông Tòng lại được thừa kế tài sản của ông Tòng v.v... Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh BR-VT đã xác minh nội dung các đơn tố cáo và có báo cáo kết quả số 22/BC ngày 29-12-1992 nêu rõ: "Trong kháng chiến chống Mỹ, bà Huệ là cơ sở của Biệt động Sài Gòn, được ta gài vào làm nữ quân nhân ngụy lái xe tại phòng 1, cấp bậc hạ sĩ; sau giải phóng bà Huệ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; hiện là hội viên CLB Biệt động Sài Gòn - Gia Định (Lữ đoàn 316 cũ). Ông Lê Thanh Tòng (HT Thích Hiển Chơn) là anh ruột bà Lê Phước Huệ, ông Tòng là con đầu, bà Huệ là con thứ 6… Về chùa Khánh Hòa: Chưa thu được tài liệu nào nói việc xây chùa là do tiền của bá tánh thập phương và cũng chưa có ai ngoài ông Tòng, bà Huệ nhận đã bỏ tiền ra xây chùa…". Báo cáo cũng nói rõ: “Các điều tra viên đã tìm đến các địa chỉ tên người tố cáo trong đơn thì tất cả đều không có thực ?”(Còn nữa)

Trúc Diệp Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét