2/10/12

Hành trình 20 năm đi tìm công lí của một cựu nữ biệt động Sài gòn - Gia Định (Tiếp theo và hết)

Người Cao Tuổi: Đảo ngược kết quả giải quyết khiếu nại của bà Lê Phước Huệ 

Ngay sau khi được thông báo về kết quả phúc tra, bà Huệ đã phát biểu cảm ơn phúc tra đã giải thoát cho bà tội chiếm đoạt chùa của Phật giáo và đã làm sáng tỏ tính hợp pháp của di chúc của ông Tòng, song bà khiếu nại về việc bà đã là người thừa kế sử dụng nhà đất ở "KHT" từ sau ngày ông Tòng qua đời (7-9-1991) đã được UBND tỉnh BR-VT công nhận tại QĐ 620/QĐ-UBT/1994, nay lại chỉ được thừa kế nhà, thực chất không mấy giá trị về kinh tế, còn truất quyền thừa kế sử dụng đất của bà là sai quy định của Luật Dân sự về Di chúc, Thừa kế; diện tích lô đất bà được thừa kế sử dụng theo di chúc và theo QĐ 620/QĐ-UBT là 4.650 m2 nay lại được nâng lên thành 6.050 m2 là sai thực tế". Đầu năm 2001, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 03/TB ngày 05-01-2001: "Xét kiến nghị của Thanh tra Nhà nước, theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn có ý kiến:




1 - Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh BR - VT; - Thu hồi QĐ số 620/QĐ-UBT ngày 31-03-1994 của UBND tỉnh; - Công nhận cho bà Huệ được thừa kế sở hữu căn nhà 24 m2 (KHT) của ông Tòng; - Bác đơn khiếu nại của bà Lê Phước Huệ xin thừa kế quyền sử dụng 6.050 m2 đất thuộc khuôn viên "KHT": Thu hồi 6.050 m2 đất thuộc khuôn viên KHT để sử dụng theo quy định của pháp luật.

2 - Giao Bộ Công an phối hợp với các ngành có liên quan xác minh về nhân thân của bà Huệ và tấm Huân chương Kháng chiến bà được tặng thưởng.
Thực hiện Điều 2 nêu trong Thông báo 03/2001/VPCP về xác minh nhân thân bà Huệ, ngày 10-12-2002, Tổng cục I, Bộ Công an đã có Văn bản 480/A11 (A41) gửi UBND tỉnh BR-VT xác định: "Sự việc bà Lê Phước Huệ trước đây là cơ sở biệt động thành Sài Gòn và được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba là có thực, không phải mạo nhận". Thêm một bằng chứng pháp lí minh oan cho bà Huệ.

Về Điều 1 Thông báo 03/2001/VPCP mãi đến 5 năm sau, UBND tỉnh BR-VT mới có Quyết định số 1540/QĐ ngày 23-5-2005 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Thới kí, thực hiện các nội dung như đã nêu trong Thông báo. Ngày 30-5-2005, bà Huệ có đơn khiếu nại lần đầu đối với QĐ 1540/QĐ với 3 câu hỏi: -1/Việc tước quyền thừa kế sử dụng đất của tôi có đúng Luật Dân sự? - 2/Lô đất 6.050 m2 thuộc khuôn viên "KHT" là lô đất nào? - 3/Vì sao thu hồi đất thuộc diện thừa kế mà tôi không được đền bù theo luật pháp hiện hành? Sau 3 năm UBND tỉnh mới có QĐ 1048/QĐ ngày 12-03-2008 về việc giải quyết đơn khiếu nại, lần đầu của bà Huệ (Luật Khiếu nại tố cáo quy định thời hạn 30 ngày) có nội dung: "Điều chỉnh lại diện tích đất bà Huệ đang quản lí là 4.650 m2, không phải 6.050 m2 như trong QĐ số 1540/QĐ/2005 của UBND tỉnh", nhưng vẫn bác quyền thừa kế sử dụng đất của bà Huệ. Bà Huệ tiếp tục có đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng ở TW. Cuối năm 2008, Ủy ban KT-NS của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hồi âm cho bà Huệ thông báo việc chuyển đơn, yêu cầu UBND tỉnh BR-VT giải quyết khiếu nại và báo cáo. Ngày 22-12-2008, UBND tỉnh BR-VT có Công văn số 8318/UBND-VP "Báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ khiếu nại của bà Huệ". Năm 2009 (năm thứ 19 tồn đọng) bà Huệ tuổi già lâm bệnh không còn đủ sức để theo đuổi khiếu nại, con gái bà là Nguyễn Ngọc Hoa nối tiếp gánh vác. Cuối năm 2009, UBND tỉnh BR-VT có Thông báo số 333/TB/UBND ngày 21-12-2009 về "Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi tiếp bà Nguyễn Ngọc Hoa, thường trú tại 96 Hạ Long, phường 2 TP Vũng Tàu" (129/1 HL-VT) trong đó có nội dung: ... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Thông báo 03/TB-VPCP có một số vướng mắc cần xin ý kiến chỉ đạo giải quyết… UBND tỉnh cần có báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, đồng thời mời Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ làm việc để giải quyết các vướng mắc và thống nhất thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng". Bước sang năm 2010, UBND tỉnh BR-VT lại có Thông báo số 197/TB-UBND ngày 20-8-2010 về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi họp báo cáo một số vụ việc khiếu nại phức tạp kéo dài. Về trường hợp của bà Huệ: "Giao Chánh Thanh tra tỉnh dự thảo báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy… Thời gian báo cáo trước ngày 25-9-2010". Với kiểu cách giải quyết khiếu nại như trên, không biết vụ khiếu nại của bà Lê Phước Huệ tồn đọng đã 20 năm sẽ còn kéo dài thêm bao nhiêu năm, cần bao nhiêu lần họp, bao nhiêu quyết định, bao nhiêu thông báo và xin ý kiến?

Thay lời kết

Nhà nước ta chủ trương xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Vụ khiếu nại của bà Lê Phước Huệ đã từng được giới luật gia quan tâm theo dõi hỗ trợ về mặt pháp lí ngay từ thời kì đầu và liên tục cho đến nay. Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh, Trung tâm tư vấn pháp lí Thăng Long thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều văn bản vạch rõ: Bản chất vụ khiếu nại của bà Lê Phước Huệ là khiếu nại về quyền thừa kế bị xâm phạm. Theo quy định của pháp luật Dân sự hiện hành thì bà Lê Phước Huệ đương nhiên được thừa kế toàn bộ di sản của ông Lê Thanh Tòng để lại theo di chúc. Dùng quyết định hành chính để bác di chúc và thừa kế, hoặc sửa đổi phần di sản được thừa kế là vi phạm pháp luật và là hành vi lạm dụng quyền lực để chiếm đoạt tài sản hợp pháp của công dân. Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân còn có trách nhiệm cao đối với việc tuân thủ pháp luật, bảo vệ lợi ích của dân, nếu làm sai pháp luật gây thiệt hại cho dân thì dù ở cấp nào cũng phải nghiêm khắc sửa chữa, tuyệt đối không tránh né, đùn đẩy, vô cảm trước sự đau khổ của người dân. Để vụ khiếu nại của một đối tượng có công với cách mạng kéo dài đến 20 năm như vụ bà Lê Phước Huệ ở BR - VT là điều không thể chấp nhận. Thông báo số 03/TB/VPCP/2001 của VPCP cản trở việc giải quyết khiếu nại của bà Huệ, nhưng khắc phục trở ngại trên lại không thuộc thẩm quyền UBND tỉnh BR-VT. Chừng nào các cơ quan có trách nhiệm ban hành Thông báo 03/TB/VPCP/2001 còn thiếu quan tâm xem xét lại thì việc giải quyết vụ việc tồn đọng dài ngày nêu trên vẫn còn kéo dài không có lối thoát.
Phóng sự điều tra của Trúc Diệp Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét